Vùng đất ngọc Lục Yên (Yên Bái) không chỉ nổi tiếng bởi đá quý ruby hết sức phong phú mà còn nổi tiếng bởi có một trữ lượng lớn đá hoa trắng. Nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng, cộng thêm óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của con người nơi đây, mà giờ làng Chuông (xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) trở thành làng nghề “thổi hồn” vào đá nức tiếng gần xa. Nhờ nghề đục đá lách cách mà nhiều hộ trong làng trở thành triệu phú, tỷ phú…
Nằm ngay cửa ngõ vào trung tâm huyện Lục Yên (Yên Bái), làng Chuông xã Tân Lĩnh giờ đây là một địa chỉ quen thuộc với nhiều thợ chế tác đá mỹ nghệ, bởi cách đây hơn 15 năm nơi đây đã bắt đầu hình thành những cơ sở chế tác đá mỹ nghệ đầu tiên. Với óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, những người thợ chế tác đá đã “biến” những khối đá to xù xì thành những sản phẩm đá mỹ nghệ độc đáo.
Đôi bàn tay khéo léo của người thợ đã biến những khối đá to xù xì thành những sản phẩm đá mỹ nghệ độc đáo.
Anh Lưu Đình Hoành là một trong những người đầu tiên đầu tiên “khai sinh” làng đá mỹ nghệ này. 15 năm gắn bó với nghề tạo tác đá, anh đã tạo ra hàng trăm sản phẩm đá mỹ nghệ độc đáo, hàng trăm bức tượng đá đủ kích cỡ
“Nghề chế tác đá tại Lục Yên có nhiều cơ hội phát triển do vùng đất có nhiều tiềm năng về khoáng sản, nhất là nguồn nguyên liệu đá trắng. Để làm được nghề, đầu tiên đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu. Đặc biệt, khi tạo tác các sản phẩm tâm linh, tâm hồn người thợ phải thật trong sáng, trình độ tay nghề cao, sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn để đưa vào đình, chùa,” anh Lưu Đình Hoành bộc bạch.
Anh Lưu Đình Hoành bên tác phẩm của mình. Ảnh: Hoàng Hữu
Nghề chế tác đá mỹ nghệ được xem là một nghề cực nhọc, từ khai thác, chọn đá đến chế tác… Những người thợ cần mẫn như con ong thợ không lúc nào ngơi tay, chế tác từ những linh vật nhỏ, xinh xắn đến những những linh vật to nặng tới vài tấn, cao tới vài mét, hay bức tượng phật… Đây là sự kết hợp giữa lao động cơ bắp và lao động mỹ thuật, phải có con mắt nghệ sỹ thực thụ mới nhìn ra được tác phẩm trong từng khối đá thô ráp.
Đây là sự kết hợp giữa lao động cơ bắp và lao động mỹ thuật. Ảnh: Hoàng Hữu
Phải có con mắt nghệ sỹ thực thụ mới nhìn ra được tác phẩm trong từng khối đá thô ráp. Ảnh: Hoàng Hữu
Hiện nay, việc tạo hình khối đến tạo phôi, đục đẽo các chi tiết đã có sự hỗ trợ của máy móc, thời gian của người thợ chế tác đá phần lớn dành cho việc sáng tạo tác phẩm. Tuy nhiên, để làm ra những tác phẩm đá nghệ thuật, người thợ chế tác đá không chỉ phải rèn luyện trong nhiều năm mà còn phải có sự đam mê, sáng tạo.
Để tạo ra một tác phẩm hoàn thiện, người thợ chế tác phải thực hiện nhiều công đoạn: vẽ phác thảo trên đá, tạo hình khối, đục thô, đục tinh và đánh bóng hoàn thiện sản phẩm. Trong đó, khâu đục tinh là khâu quan trọng nhất, đều do những người thợ lâu năm đảm nhiệm. Những đường nét tinh xảo, thần thái của tác phẩm… đều đặt vào con mắt thẩm mỹ và bàn tay khéo léo của những người thợ này
Bên cạnh sức người, giờ đây việc chế tác đá đã được máy móc hỗ trợ. Ảnh: Hoàng Hữu
Có thể nói, mỗi tác phẩm điêu khắc là một thành quả lao động kỳ công của những bàn tay tài hoa và cần mẫn. Để có thể tạo ra những tác phẩm có giá trị nhất, từng mũi khoan, từng nét đục đẽo đều là tình yêu của người thợ với những tảng đá vô tri.
Mỗi tác phẩm điêu khắc là một thành quả lao động kỳ công của những bàn tay tài hoa và cần mẫn. Ảnh: Hoàng Hữu
Những tác phẩm đá mỹ nghệ được trưng bày tại các quầy hàng trên địa bàn thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên ngày càng tinh xảo, chất lượng, đa dạng về mẫu mã, phù hợp với thị hiếu của thị trường. Bởi vậy, làng nghề chế tác đá ngày càng nức tiếng, những tác phẩm đá mỹ nghệ ở đây không chỉ được khách hàng trên địa bàn tỉnh yêu thích, mà ngay cả khách hàng ở nhiều nơi khác cũng tìm đến đây để đặt hàng.
Các tác phẩm ở đây ngày càng tinh xảo, chất lượng, đa dạng về mẫu mã và được yêu thích. Ảnh: Hoàng Hữu
Những tác phẩm đá mỹ nghệ ở đây không chỉ được khách hàng trên địa bàn tỉnh yêu thích, mà ngay cả khách hàng ở nhiều nơi khác cũng tìm đến đây để đặt hàng. Ảnh: Hoàng Hữu
Anh Nguyễn Vương Tú, chủ cửa hàng đá mỹ nghệ, tổ 17, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên (Yên Bái) cho biết: “Trước đây các nghệ nhân chế tác đá trên địa bàn huyện rất ít, một số người có tay nghề thì đi làm ở các vùng khác. Sau này, khi huyện bắt đầu phát triển về khai thác đá, tôi đã kêu gọi anh em về cùng làm. Hiện nay các sản phẩm đá mỹ nghệ của cửa hàng đều được sản xuất tại huyện và được xuất bán đi các địa phương trong cả nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.”
Cửa hàng đá mỹ nghệ của anh Nguyễn Vương Tú luôn thu hút đông khách đến tham quan và đặt hàng. Ảnh: Hoàng Hữu
Các sản phẩm đá mỹ nghệ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, như làm trang sức, trang trí phong thủy, trưng bày, sắp đặt trong không gian kiến trúc sân vườn. Với sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã, màu sắc…., tác phẩm đá mỹ nghệ ở đây ngày càng nức tiếng, nghề chế tác đá mỹ nghệ ở vùng đất ngọc Lục Yên này cũng được giữ gìn, phát triển.
Theo Danviet